Hỗ trợ từ xa: đối với các gia đình không có điều kiện cho trẻ theo học tại Trung tâm, có thể kết nối với Trung tâm để nhận được các tư vấn về chương trình can thiệp, các bài tập và phương pháp can thiệp cụ thể, kết quả đánh giá trên trẻ. Giáo viên sẽ dựa vào kết quả bố mẹ cung cấp trên phần mềm hệ thống để đưa ra hướng dẫn thêm và kết luận sau khi quá trình học kết thúc.
Trẻ tự kỷ, chậm phát triển trí tuệ rất khó khăn trong giao tiếp, có khiếm khuyết đặc trưng về ngôn ngữ, thể hiện ở nhiều dạng khác nhau.
Để thúc đẩy ngôn ngữ cho trẻ nên tận dụng và tạo cơ hội cho trẻ được trải nghiệm trong các tình huống giao tiếp hàng ngày thì phụ huynh phải là người thầy đầu tiên của con, giúp đỡ con. Thấu hiểu những khó khăn, vất vả của những phụ huynh không may có con em mắc chứng tự kỷ, chậm phát triển trí tuệ, trung tâm Kazuo đã luôn đồng hành cùng cha mẹ trẻ để cùng chung sức, đồng lòng giúp cho trẻ ngày một tiến bộ hơn, để trẻ có tương lai tươi sáng hơn ở ngày mai.

Chương trình tập huấn cho phụ huynh cũng nằm trong ý nguyện ấy của Trung tâm. Nối tiếp thành công của những buổi tập huấn trước, vừa qua trung tâm vừa tổ chức tập huấn cho cha mẹ trẻ tự kỷ, chậm phát triển trí tuệ nhằm giúp phụ huynh về kỹ năng phát triển ngôn ngữ cho trẻ tự kỷ, chậm phát triển trí tuệ. Thông điệp của buổi tập huấn là mang đến cho phụ huynh những thông tin cơ bản về sự phát triển ngôn ngữ trẻ bình thường để phụ huynh xác định được khả năng ngôn ngữ của con mình đến đâu, con có khiếm khuyết, hạn chế gì. Từ đó phụ huynh có những biện pháp để giúp con cải thiện ngôn ngữ tốt hơn trong các tình huống sinh hoạt hàng ngày ở tại gia đình cũng như chọn cách can thiệp cho con phù hợp tại Trung tâm.
Buổi tập huấn có sự tham gia của TS tâm lý Đinh Nguyễn Trang Thu, Chuyên viên đánh giá tâm lý Nguyễn Thị Lan Anh, cùng nhiều thầy cô và điều dưỡng viên của phòng khám Nhi Việt tham gia buổi tập huấn.

Nội dung chương trình tập huấn đã mang đến cho phụ huynh những thông tin, kiến thức rất hữu ích. Đó là tháp phát triển ngôn ngữ của trẻ, sự phát triển ngôn ngữ của trẻ qua từng độ tuổi, các bài tập phát triển ngôn ngữ cho trẻ trong các tình huống sinh hoạt cùng con và sự chia sẻ của giáo viên, phụ huynh về từng nội dung tập huấn. Từ những kiến thức, kinh nghiệm học được trong buổi tập huấn, phụ huynh được chia theo nhóm để thảo luận, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm của mình về các mốc ngôn ngữ qua từng thời kỳ, ngôn ngữ của trẻ khuyết tật trí tuệ, tự kỷ hay đơn giản chỉ là những chia sẻ của phụ huynh về cách giúp con phát triển ngôn ngữ ở nhà, những thành quả đạt được mà phụ huynh thấy tự hào nhất, những khó khăn nhất trong hỗ trợ phát triển ngôn ngữ cho con… Thông qua những chia sẻ ấy, phụ huynh còn có thể học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau để đồng hành cùng con.